Tranh sơn mài, bí ẩn kì diệu của hội họa Việt Nam
ART Nguyễn Gia Trí nói "Bắt đầu vẽ sơn mài là đã vẽ trừu tượng rồi". Những đặc tính tự thân của chất liệu và bề mặt phẳng nhẵn tạo không gian "âm" khiến cho nó rất phù hợp với hội họa trừu tượng. Tranh sơn mài thể hiện một xúc cảm mạnh mẽ, đầy năng lượng nhưng bố cục vẫn chặt chẽ và phong phú với những bí ẩn kỳ diệu do chất liệu tạo thành
Nhìn lại quá khứ lịch sử, những thành tựu về nghệ thuật sơn mài của Việt Nam trong thế kỷ XX được thế giới ghi nhận và đánh giá cao, những người yêu nghệ thuật luôn tự hào vì lịch sử lâu đời đã đưa sơn mài từ một chất liệu thủ công truyền thống trở thành một chất liệu đặc sắc của nền hội hoạ Việt Nam.
Vật liệu sơn mài bắt đầu từ việc sử dụng các nguyên liệu thiên nhiên và tận dụng chức năng cũng như những đặc tính đáng kinh ngạc của nó như chống nước, mạnh mẽ, chịu nhiệt,… để trang trí các tác phẩm tôn giáo hay sử dụng trong kiến trúc để khai thác tối đa sự tỏa sáng và vẻ đẹp của nó. Hoàn thành một bức tranh sơn mài là một điều gian khó mà không phải họa sĩ trẻ nào cũng dám đối mặt, chưa kể tới việc chuyên tâm đeo đuổi nó.
Tranh sơn mài là một cống hiến nghệ thuật của Việt Nam vào văn hóa thế giới
Nhà nghiên cứu văn hóa Phan Ngọc về nghệ thuật sơn mài Việt Nam
Hơn 2000 năm trước, từ thời nhà Lý (thế kỷ 11) hoặc thậm chí sớm hơn, sơn mài đã được sử dụng rộng rãi trong trang trí các cung điện, hội trường xã, đền thờ, nhà chùa. Một số họa sĩ đã đưa các loại vỏ ốc vỏ trứng vỏ trai vào tranh để tạo ra những hiệu quả mang tính biểu hiện trừu tượng nhiều hơn là mô tả thực. Người xem nhờ đó có thể nhận diện được sự đa dạng tạo ra từ chất liệu. Nó không bị bó hẹp trong tạo hình và thể hiện. Nhưng cho dù thể hiện theo phong cách nào, xu hướng nào thì thế giới hiện thực vẫn là những tác nhân quan trọng và luôn ẩn hiện trong các tác phẩm sơn mài Việt Nam.
Sự hấp dẫn của chất liệu độc đáo, vừa bền vừa sang trọng, lộng lẫy đã thu hút các thế hệ họa sĩ Việt Nam nghiên cứu tìm tòi. Nhóm các họa sĩ đương đại tiên phong đã tập trung khai thác mọi khả năng, tính năng biểu hiện của chất liệu. Lối tạo hình mới trên nền vóc với kỹ thuật gắn kết hiện đại để tạo ra hiệu quả cho tác phẩm, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho các hình thức biểu đạt.
Tranh sơn mài Việt Nam được biết đến từ những năm 1930 dưới ảnh hưởng của L’ Ecole des Beaux Art tại Hà Nội, và được rất nhiều thế hệ các họa sĩ say mê nghiên cứu bằng các nhãn quan nghệ thuật tạo hình đa dạng với mục đích định hình dấu ấn cá nhân và thể nghiệm những quan niệm mới của mình về nghệ thuật. Bắt nguồn từ 8000 năm trước ở Trung Quốc và Ba Tư, sơn mài không chỉ độc đáo trong sự kết hợp các kỹ thuật địa phương và công nghệ phương Tây, mà còn thách thức về mức độ tinh tế và chi tiết cận kĩ để tạo ra nó.
Tác phẩm sơn mài hình thành chậm rãi qua từng công đoạn: vẽ, sơn, ủ, mài... tạo ra những thách đố khó khăn cho những ai đã quen thuộc với kỹ thuật sơn dầu là thứ chất liệu có thể tạo ra hiệu quả thẩm mỹ tức thời ngay dưới nét cọ hay nhát bay của họa sĩ. Mặt khác, khái niệm mà phương Tây rất coi trọng, những dấu ấn cảm hứng để ghi lại chính xác "quá trình vận động của toàn bộ cơ thể và tâm hồn người vẽ, bao gồm mọi xúc cảm, các xử lý ngẫu hứng của một nét cọ hay nhát bay"... lại là điều rất mơ hồ và gần như không thể xác định trong nghệ thuật sơn mài.
Một bức tranh sơn mài rất bền. Nó cứng và khó bị hư hỏng. Bề mặt của tranh luôn được phủ một lớp bảo vệ, để ta dễ dàng hơn trong việc đánh bóng chúng. Sơn mài phụ thuộc nhiều vào sản phẩm sơn và màu sẵn có, các màu thường là chất vô cơ vì chất hữu cơ sẽ bị nhựa của cây sơn hủy hoại. Tranh sơn mài sử dụng các vật liệu màu truyền thống của nghề sơn như sơn then, sơn cánh gián làm chất kết dính, cùng các loại son, bạc thếp, vàng thếp, vỏ trai, v.v. vẽ trên nền vóc màu đen.
Mặc dù chất màu vô cơ có thể pha trộn nhưng vẫn dễ bị chi phối rất mạnh bởi sự rực rỡ của các chất sơn son, vàng bạc, vỏ trứng và đen nhánh của sơn ta.
Sơn mài còn khác hẳn sơn dầu ở chỗ mặt tranh gần như tuyệt đối phẳng. Không gian tạo hình của nó không nổi bật lên trước con mắt người xem mà tạo hiệu ứng 'âm', đặc biệt là với màu sơn then đen thăm thẳm, hun hút sâu. Trên nền vóc đen bóng của then hay đỏ của son, nổi bật lên những họa tiết được dát vàng dát bạc lộng lẫy cùng vỏ trứng rạn nứt li ti dàn theo một bố cục có tính nhịp điệu rất rõ nét. Đôi khi, những hiệu ứng về chiều sâu có thể tạo nên tương quan xa gần và cảm giác không gian ba chiều vốn cực kỳ khó thể hiện trên tranh sơn mài, bởi chất liệu này đặt ra quá nhiều hạn chế cho việc sáng tác nghệ thuật mà gần gũi với công việc của mộ người thợ thủ công hơn. Chỉ sau quá trình mài, những hình ảnh từ trong bóng tối mới dần hiện lên. Người thợ làm sơn mài có thể giúp họa sĩ tô các nét, các mảng theo phác thảo rồi mài phẳng qua nhiều đợt, sau đó họa sĩ phải tự tay mài và sửa các chi tiết để hoàn thiện sản phẩm.
Một tác phẩm tiêu biểu của sơn mài Việt Nam là Chiều vàng của họa sĩ Dương Bích Liên, với không gian sâu thẳm, bố cục độc đáo, hình họa giản dị nhưng đầy xúc cảm, đặc biệt sắc vàng lộng lẫy mà chỉ có chất liệu sơn mài mới có được đã làm nên tên tuổi của hoạ sĩ với hội họa Việt Nam. Một sắc vàng gây choáng váng, vừa tạo cảm giác vô tận, vừa mong manh ám ảnh, về sự vĩnh hằng, thanh thản. Thời gian như ngưng đọng lại trên bức tranh. Một buổi chiều nào đó của quá khứ mơ hồ, đồng thời là một giấc mơ vị lai.
Việc mài ở cường độ nào, mài đến đâu thì ngừng để đạt hiệu quả tối ưu, tất cả phụ thuộc cảm nhận của họa sĩ
Trong sơn mài, mỗi chất liệu như son, then, vàng, bạc, vỏ trứng,... đều có sự độc đáo và sức mạnh biểu đạt riêng giống như những nhạc cụ trong dàn nhạc giao hưởng, vấn đề là khả năng xử lý của họa sĩ trên cơ sở các yếu tố tạo hình như bố cục, đường nét, mảng khối... Một bậc thầy trong các thủ pháp xử lý chất liệu sơn mài cũng như là nhà tiên phong, người đi đầu trong việc chuyển những bức tranh sơn mài từ đồ tạo tác trang trí thành những tuyệt phẩm nghệ thuật chính là cố họa sĩ Nguyễn Gia Trí.
Chất liệu chiếm một nửa người nghệ sĩ. Phải yêu chất liệu, yêu như vợ mình thì mới có con là tác phẩm. Mỗi chất liệu có đặc điểm riêng. Phải nắm bắt được tính chất riêng của nó mà phát triển.
Nguyễn Sáng có nhiều tác phẩm sơn mài đẹp nổi tiếng, nhưng chỉ Nguyễn Gia Trí là "thuộc về" sơn mài, bởi ông đã đầu tư cả cuộc đời và tài hoa của ông vào chất liệu này. Tranh của ông thể hiện rõ những nỗ lực "hội họa hóa" sơn mài, nâng tầm sơn mài từ mỹ nghệ thành hội họa. Ngoài việc phát triển bảng màu của sơn mài để mở rộng khả năng diễn tả thực tại, ông còn dùng sắc độ để tạo chiều sâu không gian trên mặt phẳng sơn mài.
Bức "Ba Vua" về đề tài được xem là đỉnh cao trong nghệ thuật sơn mài Nguyễn Gia Trí. Bức tranh này có bố cục kinh điển về đề tài Bethlehem và gợi nhớ tác phẩm "Adoration of the Magi" (1423) của họa sĩ Gentile da Fabriano (1370 - 1427), với trình tự các nhân vật đảo từ trái sang phải và cắt gọn thành một mảng trung tâm. Về bức tranh này, xin trích ở đây bài viết của tác giả Hoàng Hưng "Nguyễn Gia Trí, bậc đạo sư của sơn mài nghệ thuật" nhân kỉ niệm 15 năm ngày mất của họa sĩ: " 'Ba Vua' là tấm tranh về đề tài Giáng sinh thứ hai của Nguyễn Gia Trí. Một bảng màu cực kỳ phong phú ( có người tỉ mẩn đếm được 22 sắc độ) vừa nghiêm trầm với các gam màu rượu chát - củ dền, vừa lộng lẫy với ánh sáng vàng và vỏ trứng, quí giá với màu xanh ngọc, bức tranh có hiệu quả như tấm tranh kính nhà thờ trong ánh hoàng hôn. Tài nghệ dùng sắc độ để diễn tả những nếp mềm mại, những biến đổi ánh sáng trên các tấm áo choàng, đặc biệt là tài xử lý vỏ trứng ở đây đã đến chỗ cực kì tinh tế. Cùng một mảng lớn, nhưng vỏ trứng được mài nông sâu uyển chuyển, có khi như trong suốt, để lớp màu nền bên dưới ánh lên khác nhau khiến các vật thể lung linh sống động, và nhất là tạo được sự biểu cảm của các gương mặt như trong những tranh Phục hưng".
Ở các bức tranh thuộc mảng đề tài "Vườn xuân" của Nguyễn Gia Trí, có những nét đặc sắc gần như trở thành motif sẽ theo ông cho đến tác phẩm cuối cùng. Những dáng điệu mềm mại, uyển chuyển của các thiếu nữ trong loạt tranh gợi nhớ đến nét vẽ của Tô Ngọc Vân, không còn dấu vết ảnh hưởng của các bậc thầy phương Tây. Con người trong tranh Nguyễn Gia Trí không nổi bật lên như những khuôn hình đặc tả mà hòa lẫn vào cỏ cây hoa lá như một bản giao hưởng của tự nhiên. Trên nền then đen huyền hoặc và son thắm, các hình thể con người và cây cỏ hiện lên hư ảo, lung linh với các chất liệu vàng bạc và vỏ trứng.
Ở đây cần nói thêm về chất liệu vỏ trứng trong kỹ thuật sơn mài. Then, son, vàng quỳ, bạc quỳ kết hợp với vỏ trứng đã được ứng biến qua nhiều thao tác: đập vụn, rải, sắp xếp, gắn chìm dưới lớp sơn cánh gián, mài... Vỏ trứng để tạo màu trắng là một vật liệu khó sử dụng vì chúng dễ bị "sượng", trồi lên trên nền sơn then hoặc son một cách lạc điệu hoặc như âm thanh của bộ gõ thô trên nền dàn dây mượt mà đang hòa tấu, nếu không xử lý khéo sẽ làm gãy vỡ nhịp điệu của bức tranh. Nguyễn Gia Trí đã tạo ra một kỹ thuật xử lý vỏ trứng phức tạp và nhiều sắc thái. Ông mài đứt các cạnh, làm mềm chất liệu, để sắc trắng ẩn hiện mờ ảo thấp thoáng cùng các nét đen chảy trên mặt vỏ trứng và ánh sáng vàng nâu như hắt ra từ bên dưới mảng trắng qua những khe hở, đôi chỗ là một lớp bụi vàng mỏng manh lướt trên mặt vỏ trứng tạo hiệu ứng lung linh như trong thần thoại
Đặc thù của chất liệu sơn mài là luôn tạo ra những bất ngờ thú vị trong quá trình thể hiện. Chính điều kỳ diệu này đã khiến cho các họa sĩ thoải mái hơn khi thể hiện ý tưởng, họ không bị gò bó trong cách thức biểu đạt đặc biệt trong xu hướng biểu hiện có tính trừu tượng.
Nguyễn Gia Trí nói "Bắt đầu vẽ sơn mài là đã vẽ trừu tượng rồi". Những đặc tính tự thân của chất liệu và bề mặt phẳng nhẵn tạo không gian "âm" khiến cho nó rất phù hợp với hội họa trừu tượng. Bức tranh thể hiện một xúc cảm mạnh mẽ, đầy năng lượng nhưng bố cục vẫn chặt. Các lớp vàng chôn sâu trong nền làm cho các sắc son trở nên ấm áp, tôn lên những mảng đen trong vắt và những mảng xám mơ hồ như sương khói. Không gian "âm" của bức tranh khiến các lớp màu như phân tầng, tạo chiều sâu hun hút của một vùng đáy nước trong trí tưởng tượng. Ngay trong bức sơn mài này, chúng ta cũng thấy sự chuyển động của đường nét và mảng khối với những quệt bút đầy ngẫu hứng. Cũng như những tác phẩm khác của Nguyễn Gia Trí, các yếu tố tạo hình luôn hàm chứa rất nhiều động năng.
Câu chuyện về nghệ thuật sơn mài lại dẫn chúng ta về vấn đề bản sắc. Cứ cho là sơn mài "thấm đẫm bản sắc", nhưng nếu cái bản sắc cứ nằm trơ ra đó thì chẳng bao giờ có nghệ thuật. Phải có yếu tố con người, những nghệ sĩ tài năng, bản lĩnh, quyết tâm sống chết cho nó. Con người ấy phải nắm vững tinh hoa nghệ thuật cả Đông và Tây, chứ không thể chỉ biết có truyền thống, trong đó tâm thế rộng mở với cái mới là chủ đạo, còn hơn cả cái biết truyền thống. Phải nắm được cái mới thì mới có thể chuyển hóa cái quen thuộc, về đề tài, bố cục, màu sắc, kỹ thuật; phải am hiểu cái mới tận xương tủy thì mới phá vỡ được cái quen thuộc, đẩy nó về phía hiện đại. Còn không thì cái cũ cứ bám lấy, mãi mãi mang kiếp cá chép không bao giờ hóa rồng được. Cũng như nghề sơn mài truyền thống trở thành một loại hình nghệ thuật đặc sắc là nhờ có Nguyễn Gia Trí, con người mà ngay ở lĩnh vực hội họa hiện đại cũng đầy cách tân, cùng những tài năng lớn khác cùng thời với ông và sau ông. Vai trò của các nghệ sĩ lớn và có tầm nhìn bao giờ cũng cực kì quan trọng.
Một bức sơn mài Việt Nam là một tác phẩm nghệ thuật có thể tồn tại qua nhiều thế hệ.
Một họa sĩ khác cũng thành công ở lĩnh vực tranh sơn mài trừu tượng là Bùi Mai Hiên. Chị là một trong những gương mặt tiêu biểu của làng hội họa Việt Nam, với tinh thần mãnh liệt thể hiện rõ trong mỗi tác phẩm và luôn luôn tìm tòi những lối đi mới hiện đại hơn, cách tân hơn cho nguyên liệu sơn mài truyền thống. Tranh sơn mài của Mai Hiên tự do, hoan lạc và duy mỹ. Chị đã mở ra một con đường riêng trong nghệ thuật sơn mài, là một trong những người nữ họa sĩ Việt Nam hiếm hoi của thập kỷ 90 đã phát kiến một con đường mới vào nghệ thuật sơn mài hiện đại của Việt Nam làm thay đổi thói quen kéo dài hơn nửa thế kỷ về ngôn ngữ tạo hình sơn mài truyền thống và cả ở cách cảm nhận…
Họa sĩ Lê Quảng Hà mang lại dấu ấn đặc biệt cho sơn mài Việt nam khi anh khai thác các chủ đề về những bi kịch, hình ảnh về những tham vọng đen tối trong xã hội đương đại thông qua sự kết hợp độc đáo giữa trường phái pop-art hiện đại và chất liệu sơn mài truyền thống. Lê Quảng Hà từng tự nhận xét: "Quá trình làm việc của tôi là quá trình đi tìm câu trả lời và sự phản biện cho những câu hỏi tôi tự đặt ra cho những gì đang xảy ra quanh tôi." Những câu hỏi của anh là về bản thể con người, về sự tương tác giữa con người và môi trường xã hội. Câu trả lời của anh cho cả hai câu hỏi ấy luôn gay gắt, nghiệt ngã nhưng trong sâu thẳm lại là nổi khắc khoải và cô đơn của sự câm lặng không hồi đáp.
Lê Quảng Hà là một đại diện tiêu biểu của các thế hệ họa sĩ đương đại Việt Nam. Tranh Lê Quảng Hà luôn thể hiện rõ cá tính nghệ sĩ và những quan điểm cá nhân trong bố cục và tư duy tạo hình mới. Họa sĩ không chú tâm vào việc mô tả sự vật mà tìm cách sáng tạo ra những mô-típ tạo hình trên cơ sở của tư duy chủ quan, của lý trí và sự suy ngẫm. Những hình tượng nghệ thuật mà anh tạo ra cùng với cách thể hiện nghệ thuật độc đáo của mình đã và đang góp phần tái tạo những định hướng đa dạng, phong phú trong nghệ thuật tạo hình đương đại Việt Nam.
Người tài có khả năng làm thay đổi quan niệm về cái đẹp. Họ sẽ thuyết phục người khác bằng chính tài năng, lòng trung thực và bằng lao động không mệt mỏi của họ...
Thế giới quan tâm đến hội họa Việt Nam chính bởi Việt Nam có chất liệu sơn mài. Nghệ thuật sơn mài đương đại vẫn đang tiếp tục kế thừa và phát triển với nhiều lối biểu hiện và tìm tòi mới mang đậm dấu ấn và tính sáng tạo của từng cá nhân nghệ sĩ. Nó vẫn còn là những bí ẩn kì diệu và đang chứng tỏ khả năng vô tận của mình trong mọi khả năng biểu đạt.
Nguồn Tổng hợp - Bài viết có tham khảo bộ sách tranh 'Sưu tập Trần Hậu Tuấn' và các trang web Tiasang, Soi, TheThaoVanHoa, Nghệ thuật xưa
Theo http://fashionnet.vn/arti-tranh-son-mai-bi-an-ki-dieu-cua-hoi-hoa-viet-nam